Không phủ nhận những đóng góp của ngành công nghiệp điện tử, điện-điện tử, những sản phẩm công nghệ thông tin (CNTT) trong kim ngạch xuất khẩu của VN. Với khoảng 30 tỷ đô/năm, sản phẩm công nghiệp điện tử VN hiện đang là sản phẩm xuất khẩu chủ lực của VN và đứng ở vị trí hàng đầu của các nước ASEAN, nên có nói ngành công nghiệp điện tử của VN đang nhắm tới ngôi vị số 1 ASEAN cũng không có gì lạ. Nhưng khi đạt được “ngai vàng” này VN được gì và đóng góp bao nhiêu?
Theo thống kê, các doanh nghiệp FDI chỉ chiếm khoảng 1/3 trong tổng số DN điện tử Việt Nam nhưng lại sở hữu nhiều công nghệ cao, chiếm trên 80% thị trường trong nước và trên 90% kim ngạch xuất khẩu.PGS Nguyễn Thanh Thu – Trường ĐHKT.TPHCM nói thẳng “có ở vị trí số 1 VN cũng không nên tự hào”. Bản chất của ngôi vị này không đem lại hào quang cho VN như những gì lĩnh vực này đang thể hiện.
Riêng Samsung đã đạt tỉ lệ xuất khẩu trên dưới 20 tỷ đô/năm. Hiện Samsung còn tiếp tục đầu tư thêm nhiều dự án tại các khu công nghiệp cao ở TP.HCM, Thái Nguyên… với số vốn lên tới 1,5 tỷ đô. Dự kiến, kim ngạch xuất khẩu tương lai của Samsung còn vượt ngưỡng 30 tỷ đô/năm.
Còn lại là Nokia, Sony. Canon, LG cũng đang đầu tư lớn vào Việt Nam. Như vậy để thấy doanh nghiệp Việt Nam sẽ góp được mấy phần trăm trong thành quả này?.
Chưa hết, trong tỉ lệ rất nhỏ đó Việt Nam cũng đang được hưởng giá trị gia tăng rất thấp vì phải nhập khẩu hầu hết nguyên liệu và lắp ráp.
Không thể trực tiếp sản xuất, các DN Việt Nam cũng không đủ khả năng tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu của các thương hiệu điện tử lớn đang có nhà máy tại Việt Nam.
Vừa qua, Samsung cho biết trong số 90 DN vệ tinh đang cung cấp linh kiện, phụ kiện, tỷ lệ DN Việt Nam cung cấp cho Samsung chỉ được dưới 10% (tức là khoảng 6 – 7 DN), đặc biệt lại chủ yếu cung ứng in ấn và bao bì, phần hưởng giá trị gia tăng thấp nhất, không tiếp thu được công nghệ cao, không có sức lan tỏa tới nền kinh tế. Nên có nói VN hướng tới ngôi vị số 1 ASEAN thì phần thưởng này cũng không dành cho các doanh nghiệp trong nước. VN chỉ “có tiếng nhưng không có miếng”.
Trong khi các DN 100% vốn nước ngoài như Samsung đến Việt Nam được hưởng nhiều ưu đãi từ chính sách của Nhà nước. Tỉnh nào cũng đua nhau ưu đãi, ưu đãi đến hụt hơi trong khi thuế thu được từ các doanh nghiệp này không nhiều, chưa nói tới tình trạng trốn thuế, chuyển giá, gây thất thu cho ngân sách.
Cái duy nhất tới thời điểm này VN đang có được là tạo việc làm cho người lao động. Tuy nhiên, lao động VN lại đang phải làm với mức lương rẻ mạt (lương bằng một nửa công nhân TQ), làm việc trong môi trường quá độc hại, không được tiếp cận với công nghệ cao, không có điều kiện nâng cao tay nghề.
VN có thể tự hào với thành tích đã lôi kéo được số lượng lớn các doanh nghiệp nước ngoài vào đầu tư hoặc tạo ra hàng ngàn công ăn việc làm cho người lao động, tuy cách giải quyết căn cơ, bền vững không phải là cách dựa vào các doanh nghiệp nước ngoài hoặc đi làm thuê mà phải tự mình vận động. Trong bối cảnh kinh tế còn khó khăn, chỉ nên coi thành tích tạo công ăn việc làm như một sự bần cùng bất đắc dĩ.
Vì vậy, trước lời tiên đoán của Giám đốc Marketing của LG Electronics (Thailand) – PGS Nguyễn Thanh Thu cho rằng VN phải cân nhắc, tính toán xem cái ngôi vị số 1 đó sẽ đem lại cho VN được cái gì ngoài tiếng hư danh. Thực tế, hiện các DN FDI không đóng góp được gì cho VN cả về thuế, công nghệ, sức lan tỏa, lẫn phát triển nguồn nhân lực…
Thành quả này không khác tâm lý của những người đang khấp khởi mừng vì cho rằng VN chuẩn bị thay thế TQ trở thành công trường sản xuất thế giới.
Điều này quá nguy hiểm. Phải hiểu công trường là gì? Là giá nhân công rẻ; kiểm soát môi trường không gắt gao; trở thành nơi gia công cho thế giới, công nhân bị o bế, lạm dụng… Trong bối cảnh TQ đang chuyển mình, không chấp nhận thu hút đầu tư bằng mọi giá, chấp nhận gạt bỏ một số ngành, tăng trợ cấp và giảm thu ngân sách để tiến tới sự phát triển cao hơn, VN lại hướng tới mục tiêu này.